Châu Âu là địa điểm du lịch ít xảy ra bạo lực, nhưng lại là thiên đường cho các dạng lừa đảo du khách hết sức tinh vi. Dưới đây là một số mánh lừa đảo thông dụng, cả cũ lẫn mới mà những ai có dự định du lịch Châu Âu nên chú ý để tránh bị vào tròng.
Những kẻ lừa đảo thông minh ngày nay thường tận dụng lợi thế của các loại công nghệ mới. Bạn nên cẩn thận khi nhân viên thu ngân ở cửa hàng lưu niệm nói chuyện liên tục qua điện thoại trong khi tính tiền các món đồ mà bạn vừa mua. Người nhân viên bán hàng không chân thật đó có thể đã sử dụng chức năng chụp ảnh trên điện thoại để chụp lại số thẻ tín dụng của các khách hàng. Lời cảnh báo dành cho những người đi du lịch: bạn sẽ phải trả giá nếu như quá phụ thuộc vào thẻ tín dụng. Hãy rút tiền từ các máy ATM và trả tiền mặt cho hầu hết các mặt hàng mà bạn mua bằng loại tiền tệ trong khu vực.
Rất nhiều kẻ lừa đảo thành công được là nhờ có những khách du lịch ngây thơ và cả tin. Và đây là một ví dụ. Khi bạn đang đi tản bộ trong một hẻm nhỏ ở Roma, một người dân địa phương vỗ vai bạn và chỉ lên bãi phân chim dính trên áo khoác của bạn. Trong khi người đó giúp bạn lau vết phân chim một cách hết sức nhiệt tình thì đồng bọn của hắn sẽ giật ba lô của bạn và chạy mất hút. Hãy cảnh giác với những tiếp xúc gần hoặc va chạm ở nơi đông người, đặc biệt là các khu du lịch. Nếu bạn cảnh giác và hiểu biết, bạn có thể tránh được hầu hết các rắc rối.
Hãy cẩn thận với những người bạn “chớp nhoáng”. Và người bạn đó thường xuất hiện trong lốt một người lịch lãm, nói chuyện có duyên. Anh ta giải thích rằng mình là một người bán áo khoác da và bắt đầu trò chuyện rôm rả với bạn, làm cho bạn có cảm giác đã kết được một người bạn thân thiện trên đất khách. Đến hồi kết, anh ta sẽ lôi từ trong xe ra một chiếc áo da thời trang và tặng bạn vì sự nhiệt tình.
Tuy nhiên, thẻ tín dụng của người bạn mới này lại đột nhiên không sử dụng được và quay ra hỏi liệu bạn có thể giúp anh ta trả tiền xăng xe hay không. Tất nhiên, kẻ lửa đảo sẽ biến mất cùng chiếc thẻ tín dụng và sau đó, bạn mới phát hiện ra rằng mình đã trả một cái giá quá đắt cho một chiếc áo bằng nhựa vinyl.
Đừng mua bất kỳ thứ gì bị rơi trên phố nếu bạn không muốn mắc bẫy. Đây là một mánh lừa đánh vào lòng tham và sự cả tin của du khách. Một người trông có vẻ tốt bụng và vô tư nhặt một chiếc nhẫn trên đất ngay trước mặt bạn và hỏi liệu có phải bạn đánh rơi nó. Khi bạn nói không phải, người đó sẽ kiểm tra chiếc nhẫn một cách kỹ lưỡng và làm một vài động tác chứng minh chiếc nhẫn được chế tác từ vàng nguyên chất. Anh ta đề nghị bán cho bạn chiếc nhẫn với giá hời, tuy nhiên lại là một mức giá cao hơn nhiều giá anh ta mua trước khi cố tình đánh rơi ngay trước mũi bạn.
Một tình huống thường gặp khác là một người bán dạo trên phố ở Paris tiếp cận bạn và nhờ bạn làm người mẫu giúp anh ta làm một cuộc trình diễn. Sau đó, người này bắt đầu làm một chiếc vòng khóa tình bạn ngay trên tay bạn. Sau khi làm xong, anh ta sẽ yêu cầu bạn trả tiền cho tiếc vòng vừa làm riêng cho bạn. Và bởi bạn không thể tự tháo chiếc vòng một cách dễ dàng ngay tại đó, bạn đành phải miễn cưỡng móc hầu bao cho kẻ lừa đảo.
Một lời khuyên chân thành nữa dành cho những du khách tốt bụng: Nếu bạn không làm hỏng cái gì thì đừng cố sửa nó. Bạn đang tham qua cung điện Buckingham và ai đó tiến lại gần với một chiếc máy ảnh và nhờ chụp một vài bức hình. Tuy nhiên, chiếc máy ảnh có vẻ không hoạt động. Khi bạn đưa trả lại, “du khách” nọ trượt tay và làm rơi chiếc máy xuống đất, vỡ rời từng mảnh. Người này sau đó sẽ “ăn vạ”, đòi bạn trả tiền sửa hoặc móc ví khi bạn cúi xuống nhặt chiếc máy bị vỡ. Vì thế, nếu bạn đánh hơi thấy có dấu hiệu của dạng lừa đảo này, hãy nhanh chóng rời khỏi đó.
Điều quan trọng là bạn phải luôn ghi nhớ rằng Châu Âu không phải là một nơi nguy hiểm, nhưng lại là mảnh đất màu mỡ của những “nghệ sĩ lừa đảo”. Vì thế khi đi du lịch Châu Âu, tốt nhất là nên để những thứ giá trị ở nhà và đeo túi chắc chắn khi đi dạo phố.
(Theo Afamily)